Nổi mụn nước ở tay: Nguyên nhân và cách điều trị

Do ảnh hưởng bởi các yếu tố từ môi trường nên những bệnh lý về da đang ngày một phổ biến, trong đó bao gồm cả tình trạng nổi mụn nước ở tay. Dù không quá nguy hiểm nhưng nó khiến người mắc cảm thấy khó chịu, phiền toái, gây ảnh hưởng tới công việc, đời sống sinh hoạt cá nhân. Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa nổi mụn nước ở tay

1. Tay bị nổi mụn nước có biểu hiện gì?

Với hình dạng độc đáo, mụn nước ở tay rất dễ nhận biết. Đó là những bọc mụn với các kích cỡ nhỏ, vừa, lớn nằm ở lớp trên cùng của da. Bên trong mụn nước chứa đầy chất lỏng. Đó có thể là máu, mủ hoặc huyết thanh. 

Thông thường, mụn nước thường hình thành ở khu vực lòng bàn tay hoặc hai bên ngón tay của bạn. Nổi mụn nước ở tay ngứa và có thể đau khi bạn chạm vào chúng. Những vùng da xung quanh mụn nước cũng có thể ngứa và đóng vảy. Bạn không nên tự ý chọc vỡ mụn nước nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nặn mụn nước có thể khiến cho vùng da ở bên dưới bị nhiễm trùng. 

2. Nguyên nhân gây ra nổi mụn nước ở tay

2.1 Do dị ứng

Nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng nổi mụn nước ở tay phải kể đến là dị ứng. Không chỉ khiến vùng da bị ngứa ngáy, sưng đỏ mà dị ứng còn gây ra mụn kèm theo chất dịch lỏng. 

2.2 Do tiếp xúc với hóa chất 

Việc tiếp xúc với hóa chất cũng có thể bị nổi mụn nước ở tay. Các loại hóa chất thường có nhiều trong: nước rửa bát, xà phòng, dầu thơm, mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu…Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa liên tục, da tay bị đỏ, phù nề, sẩn những nốt mụn nước. 

Người bệnh cần tránh gãi vì gãi có thể khiến các vết mụn nước bị vỡ, gây ra nhiễm trùng. Tránh tiếp xúc với các hóa chất bằng cách mang găng tay khi làm việc. Ở một số trường hợp chỉ cần loại bỏ được tác nhân gây dị ứng thì bệnh sẽ tự động khỏi. 

2.3 Do nhiễm vi khuẩn, nấm 

Bị nổi mụn nước ở tay có thể do da đã bị nhiễm vi khuẩn, nấm. Biểu hiện của nấm da là những vết mẩn đỏ, chúng có thể gây ngứa ít hoặc không có cảm giác ngứa ngáy. Các vị trí trên cơ thể thường bị nhiễm nấm, vi khuẩn gồm: bàn tay, bàn chân, da đầu, kẽ ngón, móng tay, bẹn… 

2.4 Do viêm da

Thời điểm chuyển giao thời tiết thường khiến cho da dễ bị viêm đỏ, xuất hiện mụn nước và có cảm giác ngứa ngáy. Một số vị trí thường gặp là vùng da ở mặt, cổ và cánh tay. Cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ hoặc bị ẩm ướt lâu dài sẽ khiến cho các vi nấm phát triển quá mức. Từ đó gây ra mụn nước, mụn mủ chảy dịch, lở loét gây ngứa ngáy khó chịu. 

2.5 Do bệnh thuỷ đậu 

Một trong những nguyên nhân nổi mụn nước ở tay đó là do bệnh thủy đậu. Ai cũng có nguy cơ mắc thủy đậu nhưng trẻ em (đặc biệt là trẻ em dưới 10 tuổi) dễ mắc thủy đậu nhất. Bệnh thủy đậu khởi phát với những ban dát màu đỏ, sau đó biến thành những nốt phỏng nước trong và nông, như những hạt đậu trên bề mặt da. Sau khoảng thời gian từ 24 – 48h, những nốt mụn này chuyển sang màu vàng, hình cầu nằm nổi trên mặt da khoảng 2mm.

Ngoài tay, các nốt thủy đậu còn mọc rải rác trên toàn cơ thể, xuất hiện cả ở trong miệng, chân tóc. Bệnh có khả năng lây lan thông qua việc đụng chạm tới những ban ngứa ở người bị thủy đậu hoặc qua giọt bắn trong không khí từ mũi, miệng của bệnh nhân. 

3. Cách chữa mụn nước ở tay

Hầu hết các mụn nước ở tay đều tự lành mà không cần điều trị. Miễn là bạn không làm vỡ các nốt mụn. Lớp da mới sẽ phát triển khi lớp da trên khô, bong ra một cách tự nhiên. Bác sĩ da liễu khuyên rằng không nên nặn mụn nước vì nó hoạt động như một lớp bảo vệ để chống lại sự nhiễm trùng. Thay vào đó, mọi người có thể che các vết mụn bằng băng gạc, bảo vệ mụn nước không bị tổn thương. Nên thay băng ít nhất một lần một ngày. 

Cần đeo găng tay bảo hộ khi tiếp xúc với các yếu tố kích ứng để bảo vệ làn da. Ngoài ra, bạn nên rửa nhẹ nhàng các vùng bị mụn bằng xà phòng nhẹ để hạn chế sự tích tụ của nấm và vi khuẩn, kết hợp với thoa kem và thuốc mỡ kháng khuẩn. Đối với những vết mụn nước được gây ra bởi các bệnh lý như: chàm, dị ứng, tổ đỉa thì cần được điều trị. Bạn nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán, kê đơn thuốc phù hợp. 

Như vậy, bài viết đã chỉ ra cho bạn những nguyên nhân và cách điều trị nổi mụn nước ở tay. Nếu không may gặp phải tình trạng này, chúng ta không nên chủ quan, lơ là. Thay vào đó, hãy tìm ra nguyên nhân và có phương hướng điều trị mụn nước ở tay càng sớm càng tốt.

Nguồn tham khảo: 

*Tham khảo: “ What Are the Causes of Blisters on the Hands?” – Medicine Net

Truy xuất từ: 

https://www.medicinenet.com/what_are_the_causes_of_blisters_on_the_hands/article.htm

* Tham khảo: “ Những điều cần biết về bệnh thủy đậu ở trẻ em" – Bệnh viện 108

Truy xuất từ: 

https://www.benhvien108.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-thuy-dau-o-tre-em.htm

* Tham khảo: “Bệnh da thường gặp khi mùa mưa đến" – Trung tâm y tế Thủ Đức 

Truy xuất từ: 

https://trungtamytethuduc.medinet.gov.vn/chuyen-de-suc-khoe/benh-da-thuong-gap-khi-mua-mua-den-c16802-114543.aspx

* Tham khảo: “Viêm da do tiếp xúc với chất tẩy rửa dùng thuốc gì?” – Sức khỏe & Đời sống 

Truy xuất từ: 

https://suckhoedoisong.vn/viem-da-do-tiep-xuc-voi-chat-tay-rua-dung-thuoc-gi-169153637.htm

CH-20240604-103

CÔNG TY TNHH BAYER VIỆT NAM

Giấy chứng nhận ĐKDN số: 3600359484 do Sở KH&ĐT Tỉnh Đồng Nai cấp ngày 30/08/1997

Địa chỉ trụ sở: Lô 118/4 KCN Long Bình hiện đại (Amata), P. Long Bình, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai

LHA